Bài tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2023

Đăng lúc: 14:43:38 05/02/2024 (GMT+7)

Bài tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2023

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hoằng Quý, ngày 05 tháng  02 năm 2024

 

Bài tuyên truyền Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2023

Ngày 10 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Phần 1: 1. Sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của dân chủ và chú trọng thực hiện dân chủ từ cơ sở. Tinh thần ấy được thể hiện cụ thể và cô đọng trong Tuyên ngôn Độc lập. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc thêm: vấn đề dân chủ trước tiên và trọng yếu là xuất phát từ cơ sở.

Dân chủ luôn đi liền với cơ chế bảo đảm dân chủ, mà cơ chế này phải được luật hóa. Theo nghĩa rộng, pháp luật về thực hiện DCCS có phạm vi điều chỉnh gồm: vấn đề thực hiện dân chủ của người dân ở địa phương – cấp xã; trong cơ quan hành chính nhà nước, trong các đơn vị sự nghiệp công lập; trong các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng lao động 

Có thể thấy, quan điểm trên được khẳng định ở đạo luật gốc là Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và được thể chế hóa ở các luật quan trọng. Đồng thời, được điều chỉnh trực tiếp bằng các văn bản pháp luật về thực hiện DCCS. Cũng với tinh thần đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ra Chỉ thị số 69/CT/TW ngày 20/6/1996 yêu cầu sớm nghiên cứu thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tiếp theo, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, khẳng định: khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Chủ trương này được Quốc hội thể chế bằng Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 26/02/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ. Chính phủ cũng triển khai hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành đối với từng loại hình cơ sở:

Các văn bản hướng dẫn thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được ban hành trong giai đoạn này khá đầy đủ và hệ thống, nhưNghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Chỉ thị số 22/1998/CT- TTg ngày 15/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai QCDC ở xã, phường, thị trấn; Thông tư số 03/1998/TT- TCCP ngày 06/7/1998 về hướng dẫn áp dụng Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường và thị trấn…

Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, căn cứ vào Nghị quyết số 17/NQ -TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn và Chỉ thị số 10 – CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Chính phủ đã có Nghị định số 79/2003/NĐ – CP ngày 07/7/2003 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, thay thế Nghị định số 29/1998/CP ngày 11/5/1998. Sau đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2004/TT – BNV ngày 20/02/2004 hướng dẫn thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X tiếp tục khẳng định: phát huy dân chủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với tiến trình phát triển nước ta. Do đó, cần có một văn bản pháp luật cao hơn nghị định để điều chỉnh vấn đề thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL- UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Để cụ thể hóa nội dung của Pháp lệnh, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT – CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 về hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện nay, các nội dung chủ yếu về thực hiện dân chủ ở cơ sở cơ bản được điều chỉnh tại 4 văn bản gồm:

1.Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Description: aaa.jpg

2.Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

3.Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; và

4.Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị – xã hội ở nước ta.

Kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương . Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đã làm chuyển biến về ý thức, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với Nhân dân; vai trò của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được phát huy thông qua việc đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển của cơ quan và đơn vị. Thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp đã bảo đảm quyền của người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian qua, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Đảng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở; Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền làm chủ và quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân. Đồng thời, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế như:

2. Một số hạn chế, vướng mắc tại Pháp lệnh 34

– Pháp lệnh thiếu những quy định cụ thể, minh bạch về thời hạn, cách thức công khai nên người dân không có khả năng tiếp cận đầy đủ thông tin để thực hiện quyền năng của mình. Ví dụ: pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định đảm bảo tính minh bạch trong việc công khai của chính quyền cấp xã dẫn đến tình trạng, nhiều địa phương thực hiện việc công khai một cách “chiếu lệ” (tuy vẫn đúng nội dung cần công khai, đúng địa điểm phải công khai nhưng người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp thu tất cả nội dung văn bản được công khai) các văn bản được niêm yết ở thôn, chưa được bảo quản và cập nhật kịp thời; nội dung một số khoản mục quyết toán thu, chi các loại quỹ đôi khi chưa đúng quy định; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri thành phần còn hạn chế, chủ yếu là cán bộ đảng viên, cán bộ chủ chốt tham dự; việc công khai quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất chưa nghiêm túc; việc niêm yết bộ thủ tục hành chính chưa được cụ thể hóa, chưa phân loại để nhân dân dễ tìm, dễ hiểu, dễ thấy để thực hiện.

3.Bất cập trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nơi làm việc

– Phạm vi các vấn đề để Nhân dân quyết định còn tương đối hạn chế (gồm 2 nội dung:

Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật). Ngoài ra, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể chủ thể có quyền đề xuất các vấn đề đưa ra để Nhân dân quyết định. Trên thực tế, Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Trưởng thôn đề xuất, do vậy chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.

– Hương ước, quy ước được xây dựng theo phong trào, không có cơ chế giám sát thực hiện, ít có tác dụng thực tế trong điều chỉnh các quan hệ xã hội tại các cộng đồng dân cư cơ sở, nhất là vùng đô thị và nông thôn đồng bằng; xu hướng luật hóa hương ước đang diễn ra ngày càng phổ biến. Các quan hệ xã hội được điều chỉnh trong các hương ước, quy ước phần lớn đã được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật, thậm chí có quy định trái pháp luật. Giá trị điều chỉnh quan hệ xã hội của các hương ước tại các khu vực đồng bằng, đô thị còn mờ nhạt

4.Một số hạn chế thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

– Việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội được quy định tại nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau. Trong khi đó, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội có nhiều điểm tương đồng trong quản lý hành chính nội bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động. Điều này tạo nên sự không đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện pháp luật về dân chủ trong cơ quan, đơn vị.

– Quy định về đối tượng thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa bảo đảm tính bao quát; một số cơ quan mặc dù thực tế áp dụng Nghị định số 04/2015/NĐ-CP nhưng chưa được ghi nhận đầy đủ trong quy định của pháp luật như các cơ quan, đơn vị của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước…

– Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện dân chủ cơ sở ở một số địa phương, cơ quan còn hạn chế.

– Thời gian tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn chưa thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị. Vẫn còn tồn tại tình trạng một số cơ quan, đơn vị lồng ghép việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với tổng kết công đoàn đơn vị nên chưa dành nhiều thời gian để bàn bạc, trao đổi những vấn đề có liên quan đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nội dung của Hội nghị chưa thực sự phong phú, chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng việc thực hiện dân chủ, một số cán bộ, công chức chưa dám thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ.

– Một số thông tin vẫn công khai chậm do mang tính nhạy cảm như thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị đã được kết luận; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Một số nội dung còn thực hiện mang tính hình thức như: bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật,

5. Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp (nơi làm việc)

– Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế phù hợp với những thay đổi của pháp luật.

– Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp (đạt khoảng 64%). Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

– Việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính, các loại quỹ, công tác cán bộ…

6. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân

a.Về nhận thức và trình độ, năng lực

– Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân nên chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo cũng như theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động này. Công tác phối hợp còn thiếu đồng bộ; một số nơi, Ban Thanh tra nhân dân  hoạt động còn yếu nhưng chậm được kiện toàn củng cố.

– Uỷ ban MTTQ các cấp, nhất là cấp xã một số nơi chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, chưa thực sự coi trọng và sử dụng Thanh tra nhân dân như một công cụ giám sát của nhân dân. Công tác thi đua khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác này chưa được làm thường xuyên, kịp thời do đó chưa khuyến khích sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình từ thành viên Ban Thanh tra nhân dân

– Ở một số nơi, Ban Thanh tra nhân dân chưa chủ động xây dựng chương trình hoạt động hàng năm, chế độ sinh hoạt tháng, quý chưa được duy trì thường xuyên nên không nắm bắt được những ý kiến, kiến nghị của nhân dân kịp thời.

– Uỷ ban MTTQ ở một số nơi còn tham gia chưa thường xuyên và chưa chủ động phối hợp với chính quyền trong việc xử lý những kiến nghị của Ban TTND, do vậy chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân dẫn đến vẫn còn một số đơn thư kéo dài, vượt cấp.

– Các thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đều kiêm nhiệm và nhiều áp lực công tác chuyên môn nên chưa phát huy hết vai trò của mình. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực và kiến thức pháp luật của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế; tâm lý ngại va chạm; do kiêm nhiệm cả chức vụ chuyên môn nên khó giữ được tính độc lập, khách quan trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động điều hành, quản lý của cơ quan, đơn vị… Chế độ phụ cấp, kinh phí hỗ trợ và điều kiện hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động.

– Nội dung giám sát của Thanh tra nhân dân là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn đòi hỏi người giám sát phải có trình độ chuyên môn sâu. Thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ, nhất là một số lĩnh vực cần có kiến thức chuyên ngành như đầu tư xây dựng cơ bản, điện lực, thi công đường giao thông nông thôn,…

– Công tác tuyên truyền, phổ biến về việc giám sát của nhân dân, giám sát của cộng đồng cho các chủ thể có liên quan như chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình… ở một số nơi còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời.

b.  Về thể chế, chính sách

– Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn thấp, không đủ để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động, ở một số nơi mức kinh phí này cũng chưa đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Mặt khác, việc để cấp xã cấp kinh phí tùy theo ngân sách của cấp xã như hiện nay là một trở ngại lớn cho hoạt động giám sát. Cần có thêm một khoản phụ cấp cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân để tăng thêm trách nhiệm của các thành viên.

– Cần có sự phân công cụ thể công tác bồi dưỡng, tập hấn nghiệp vụ Thanh tra nhân dân. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các ngành Thanh tra, Kế hoạch và Đầu tư.

– Quy định về số lượng thành viên ban Thanh tra nhân dân tối đa là 11 người chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vì thực trạng hiện nay có nhiều xã, phường, thị trấn có đến 15-20 thôn, tổ dân phố, khu dân cư… nên rất khó phân công nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng quy định là 02 năm là quá ngắn, không ổn định, biến động, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở nêu trên thì việc nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết.

  Người viết bài tuyên truyền                                           Người duyệt

 Công chức tư pháp- hộ tịch                                       PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

          Lê Văn Thuấn                                                          Lê Sỹ Sư

 

 

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc