LỄ HỘI LÀNG - NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGƯỜI PHÚ KHÊ

Đăng lúc: 00:00:00 20/02/2023 (GMT+7)

LỄ HỘI LÀNG - NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGƯỜI PHÚ KHÊ

 LỄ HỘI LÀNG  - NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGƯỜI PHÚ KHÊ

 

 

          Lễ hội thường niên của làng Phú Khê gắn liền với tục thờ lưỡng cảnh thành hoàng, hình thành từ năm Thiên Thành thứ 11 (1039),được thế hệ nối tiếp thế hệ giữ gìn hoàn thiện và truyền thừa đến ngày hôm nay. Lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Phú Khê.

          Theo Tôn thần ngọc phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc (1572), lưỡng cảnh thành hoàng làng tên húy là Chu Minh và Chu Tuấn, là anh em sinh đôi,hạ sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Dần ( 1026), mất ngày 23 tháng 4 năm Mậu Dần (1038),thi thể được mai táng bên cạnh chùa Bảo Phúc tại khu Đình Đình. Năm Thiên Thành mười một ( 1039) có công “ âm trợ “ giúp vua Lý Thái Tông dẹp giặc Ai Lao. Thắng lợi trở về,vua sai Đình thần vào Phú Khê tôn lăng lập miếu và làm lễ bái tạ đồng thời cấp cho dân làng 37 quan tiền để làm tiền công hương hỏa duy trì lễ tế. Ngày mùng 8 tháng 10 cùng năm Thiên Thành 11 vua ban sắc phong :

          Cho Chu Minh là - Nhất đương cảnh thành hoàng Hiển hiệu Cao Minh hàm quang Thượng đẳng Phúc thần đại vương.

          Cho Chu Tuấn là  - Nhất đương cảnh thành hoàng Hồng vĩ Tiêu Giang hàm quang Thượng đẳng Phúc thần đại vương.

          Thượng đẳng thần là cấp bậc cao nhất trong hệ thống cấp độ Thần được triều đình sắc phong Thành hoàng làng dựa trên công trạng giúp nước, giúp dân. Cùng với sắc phong thành hoàng, triều đình chuẩn miễn binh lương cho Phú Khê trong ba năm với “ Chuẩn kỳ phụng sự dụng chế quốc khánh nhi thần”. Theo đó,vào dịp Thần sinh dân làng tổ chức cúng tế, ca hát trong 4 ngày từ 16 đến 20 tháng 2 ; Vào dịp Thần hóa tổ chức cúng tế, ca hát 6 ngày từ 21 đến ngày 25 tháng 4 ; Vào dịp khánh hạ tổ chức cúng tế ,ca hát trong 3 ngày từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 10 ; Xuân Thu lễ vào ngày Đinh và thực hiện cúng tế trong 3 ngày.

          Từ đó đến nay, phần lễ dân làng vẫn duy trì theo lệ tuy có điều chỉnh ít nhiều về số lượng ngày cúng tế, phần hội duy trì năm hai lần vào các dịp Thần sinh và Thần hóa.

          Trước năm 1855 - năm di chuyển đình lên đất thượng làng,tất cả  lễ hội được tổ chức tại Đình Đình trước lăng, miếu, đình, chùa. Những năm gần đây lễ hội được tổ chức đồng thời ở Đình Phú Khê thuộc Hoằng Phú và ở lăng thuộc Hoằng Quý.

          Dù địa điểm diễn ra lễ hội thời nay có sự thay đổi nhưng phần lễ tế luôn giữ sự nhất quán.Các chầu tế đều được tổ chức theo nghi thức tế rượu ngoài, theo nghi thức tế cung đình. Hai kỳ lễ hội chính - dịp Thần sinh, Thần hóa hàng ngày tối tế bằng đồ chay, ngày tế bằng cỗ mặn. Dịp lễ hội Thần sinh dân làng thường gọi là lễ hội tháng hai, dịp Thần hóa thường gọi là lễ hội tháng tư. Lễ hội tháng tư long đình được rước từ đình làng về chùa Bảo Phúc và để lại một đêm, có điều đặc biệt đậm tính tâm linh và đạo hiếu,khi rước về chùa Long đình di chuyển rất nhanh, ngược lại hôm sau khi rước trở lại Đình Long đình di chuyển dùng dằng rất chậm. Các cụ giải thích rằng Thần muốn về thăm mẹ,về rồi chẳng muốn dời nên việc rước Long đình mới diễn ra như vậy. Mẹ ở đây là Đức Phật,bởi chính phụ thân của lưỡng cảnh Thành hoàng với tâm thành hướng Phật đã đến chùa Bảo Phúc đảnh lễ cầu tự mà có. Ngoài ra, Long đình còn được rước quanh làng để thần quán sát thôn làng hàng năm. Tục rước Long đình, nói cách khác rước Thần về chùa lễ Phật - lễ mẹ,rước Long đình quanh làng mang tính giáo dục sâu sắc, giáo dục con cháu trong làng luôn ghi nhớ công sinh thành dưỡng dục của bậc sinh thành, luôn ghi nhớ tình làng nghĩa xóm.

          Mỗi kỳ lễ hội chuẩn bị đến, thôn,làng,nhộn nhịp chung tay thi nhau chuẩn bị lễ vật,nào cỗ chay, cỗ mặn sao cho tươi đẹp nhất để dâng cúng Thần, Phật, mẫu, đúng như Lê Quý Đôn đã viết “ Vật sơn hải mâm đầy chồi chội, phô trương nhiều vẻ quý vẻ thanh”. Ngoài chuẩn bị phần lễ, nơi nơi luyện tập múa, hát, mong sao “ Hát cho hay,đàn cho ngọt” để phục vụ bà con trong kỳ lễ hội. Vào lễ hội, dù xa gần mọi người đều thu xếp thời gian ít hoặc nhiều trở về Đình, chùa, lăng miếu,tất cả đều với tâm thành, hướng thiện mong được thắp nén tâm hương trước Thành hoàng làng bằng niềm xác tín được Thần, Phật che trở ban cho phúc lộc dài lâu. 

          Lễ hội có ý nghĩa rất lớn trong việc gắn kết tình làng nghĩa xóm, qua nghi lễ và tham gia các hoạt động vui chơi người người gắn bó với nhau hơn về tinh thần, đồng thời ý thức trách nhiệm về gia đình, làng xã được củng cố. Duy trì lễ hội là duy trì mạch nguồn tâm linh chảy mãi từ thế hệ này đến thế hệ khác,mong cầu bình an cho mỗi cá nhân và dân làng. Đồng thời để thế hệ trẻ biết đến ,tiếp tục gìn giữ và phát huy vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của đất làng của cha ông. Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục,đến với hội làng, mỗi người sẽ cảm nhận được nét đẹp của hồn cốt văn hóa người Phú Khê vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng nghìn đời nay. Hội làng Phú Khê đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân một cách sâu đậm và trở thành một mỹ tục.

          Niềm tin tín ngưỡng là điều thiêng liêng, khi chúng ta gửi gắm tình cảm, hy vọng đến Lưỡng cảnh Thành Hoàng, để cầu mong cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc với niềm tin ở hiền gặp lành, cũng cần tỉnh táo trước ranh giới tín ngưỡng và mê tín đó mới thực sự là người có văn hóa. Hy vọng và tin tưởng Phú Khê tiếp tục duy trì lễ hội làng theo đúng bản sắc văn hóa vốn có được xây dựng từ ngàn năm nay.

                                                                                         Trịnh Văn Ngạn

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc