sản phẩm chủ lực của Địa phương ( Miến gạo)

Đăng lúc: 00:00:00 25/08/2022 (GMT+7)

sản phẩm chủ lực của Địa phương ( Miến gạo)

 Đã từ lâu, xã Hoằng Qúy, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã được người dân trong huyện và ngoài huyện biết đến không chỉ với sản phẩm kẹo lạc ,bánh nhãn giòn thơm , mà còn có sản phẩm miến gạo. Nhờ sản xuất miến, nhiều gia đình ở đây đã có nguồn thu nhập khá và vươn lên làm giàu. Miến gạo Hoằng Quý đang dần khẳng định thương hiệu, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây .

      Hoằng Quý là một xã nằm ở gần Quốc lộ 1 A, có hệ thống giao thông thuận tiện, đường sắt Bắc Nam bắc qua là cơ hội thuận tiện cho việc giao lưu hàng hóa trong huyện và ngoài huyện . Toàn xã có tổng 1294 hộ với 4691 khẩu sinh sống trên địa bàn 6 thôn.          

 

          Nghề làm miến gạo ở xã Hoằng Quý xuất hiện từ những năm 1970. Tập trung chủ yếu ở thôn Hảo Bắc và thôn Tự Đông. Được biết, trước đây do kinh tế khó khăn, nhiều người dân phải rời quê đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước kiếm viêc làm. Sau đó, chính họ đã đưa nghề làm miến về phát triển tại địa phương. Gạo để làm miến chủ yếu là Khang dân và Q5. Nếu như trước đây, việc xay bột, tráng bột, thái bánh được làm bằng tay và các dụng cụ thủ công nên năng suất thấp thì từ năm 2006 trở lại đây, các hộ sản xuất miến gạo ở Hoằng Quý đã đầu tư máy móc, trang thiết bị như máy xay bột, máy trộn bột, máy ép bột, máy cán sợi nên năng suất tăng gấp 10 đến 15 lần, và đặc biệt cho ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Hiện toàn xã Hoằng Quý có  6 hộ sản xuất và phục vụ sản xuất miến gạo, với hai loại là miến khô và miến nước; thu hút hơn 80 lao động với mức thu nhập bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Sự khác biệt giữa Miến nước và miến khô chính là quá trình tạo ra Bột để cho vào máy cán sợi. Đối với miến khô, gạo sau khi ngâm từ 20 phút đến 30 phút sẽ được vớt lên để khô và cho vào máy nghiền bột khô. Sau khi nghiền bột, người làm miến sẽ trộn bột với nước với một tỷ lệ nhất định, rồi cho vào máy cán sợi. Đối với miến nước, gạo sau khi ngâm từ 5 đến 7 giờ đồng hồ, sẽ cho vào máy nghiền bột nước, sau đó cho vào các túi vải lớn và ép đến khi bột khô hết nước thì đem chia nhỏ bột cho vào máy cán sợi. Việc làm miến nước sẽ vất vả hơn miến khô vì nhiều công đoạn và thời gian phơi khô lâu hơn, nhưng lại cho  ra sản phẩm miến gạo ngon, thơm, miến luộc lên không có màu nước đục như miến khô vì lượng cám gạo trong bột đã được ép sạch. 

 

          Miến sau khi cán thành sợi sẽ được ủ khoảng 10 đến 12 tiếng (thường ủ qua đêm) sau đó sẽ được rửa nước lạnh và phơi khô trên các sào hoặc trành. Miến ở xã Hoằng Quý không chỉ được tiêu thu trong huyện và còn được tiêu thụ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

 

          Có thể nói, nghề làm miến gạo ở xã Hoằng Quý đã hình thành, duy trì và phát triển hơn 50 năm và là sản phẩm tinh hoa của người dân địa phương. Từ sản xuất, kinh doanh miến, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập khá và vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn. Để nghề làm miến tiếp tục phát triển, được sự quan tâm của các ban, ngành huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Quý đã và đang thực hiện các giải pháp, trong đó đã và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là bước tiến mới, khẳng định vị thế của nghề làm miến, là động lực để người làm miến nơi đây tiếp tục nỗ lực, làm ra sản phẩm miến gạo ngày càng nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng gần - xa./.

z3973161353501_1e65a912e16ffbbaf83ed84e6361dac2.jpgz3973161359985_4c8947e993e18a9207379420e4281be7.jpgz3973161363488_b3db5a1f015753e5656d1511c67bc34c.jpgz3973161364798_d84ee803c9a1a80df076e83f77b0438c.jpgz3973161372278_8e4c9455aa61da0500c0f6c379a50e00.jpg

 

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc